Nghệ thuật đầu tư mạo hiểm của SoftBank: “Chọn mặt, gửi vàng” toàn các công ty khởi nghiệp… đang thua lỗ
Những thương vụ đầu tư thần kỳ
Bom Suk Kim – nhà sáng lập công ty thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc Coupang từng rất phân vân trước lựa chọn có nên đưa tập đoàn ra mắt công chúng hay không. Ông có tham vọng đưa Coupang chuyển hướng sang mô hình hoạt động tương tự như Amazon, và thậm chí còn ưu việt hơn với hệ thống giao hàng độc quyền.
Vấn đề là Coupang sẽ cần rất nhiều tiền để thực hiện dự định này, với con số có thể lên tới hàng tỷ USD. Tuy nhiên nếu thực hiện IPO, các nhà đầu tư trên thị trường đại chúng sẽ không thích việc phải đầu tư quá nhiều.
Đây được cho là cơ hội hoàn hảo cho SoftBank. Sau khi phân tích tiềm năng giữa Coupang và các đối thủ, tập đoàn viễn thông Nhật Bản nhận thấy Coupang không có dòng tiền tốt như các đối thủ tuy nhiên lại có lợi thế là trải nghiệm người dùng tốt hơn.
Từ những phân tích trên, SoftBank quyết định đầu tư hơn 1 tỷ USD cho Coupang vào tháng 6/2015 – phá vỡ mọi kỷ lục đầu tư khởi nghiệp tại Hàn Quốc vào thời điểm đó. Nhờ lượng tiền mặt dồi dào của SoftBank, Coupang bắt đầu xây dựng trung tâm hậu cần trên toàn Hàn Quốc và ngay trong năm 2015, doanh thu của nó tăng gấp 3 lần so với năm trước đó.
Tuy nhiên thành công đó vẫn chưa khiến chủ tịch SoftBank Masayoshi Son hài lòng. Ông thành lập Quỹ Vision trị giá 100 tỷ USD vào năm 2017, qua đó tiếp tục bơm thêm 2 tỷ USD cho Coupang vào cuối năm 2018.
Quyết định đặt cược vào Coupang đang đem lại thành công cho SoftBank. Mặc dù Coupang ghi nhận khoản lỗ khổng lồ 475 triệu USD vào năm 2020, công ty vẫn được định giá tới hơn 100 tỷ USD sau khi IPO trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 3/2021. Thành công với Coupang giúp SoftBank ghi nhận lợi nhuận ròng hàng năm lớn nhất từ trước đến nay – ở mức 46 tỷ USD.
Trước Coupang, Masayoshi Son từng bị nhiều chuyên gia chỉ trích rằng các thương vụ đầu tư mạo hiểm của ông chỉ đơn thuần là một hình thức đốt tiền cho các công ty khởi nghiệp. Masayoshi Son đã chứng minh điều ngược lại khi thành công với Alibaba. Khoản đầu tư 20 triệu USD vào tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc của SoftBank nay đã có giá trị hơn 100 tỷ USD – thương vụ được ví như một kỳ tích trăm năm có một trong ngành đầu tư.
“Bỏ qua cơ hội còn tiếc nuối hơn thất bại”
Bên cạnh những thành công vang dội, SoftBank cũng không thiếu những thương vụ đầu tư thất bại tai tiếng, đáng chú ý nhất là Greensill Capital – công ty dịch vụ tài chính vừa phá sản vào hồi tháng 3 và WeWork – công ty khởi nghiệp cho thuê văn phòng phá sản vào năm 2019.
Hai thương vụ trên khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về chiến lược đầu tư của SoftBank. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 càng khiến cho thị trường chứng khoán trở nên bất ổn định và ngày càng khó đoán. SoftBank năm ngoái đã phải bán hơn 50 tỷ USD tài sản để lấy lại niềm tin của các cổ đông và không thể loại bỏ khả năng tình trạng tương tự sẽ tiếp diễn trong tương lai.
“Chúng tôi đã đánh giá quá cao hoặc quá tự tin về người sáng lập WeWork Adam Neumann.” – Ông Son nói về thất bại trong thương vụ WeWork.
Thế nhưng bất chấp thất bại, người đứng đầu SoftBank vẫn tỏ ra kiên định với quy trình đầu tư của mình.
“Chúng tôi có rất nhiều thương vụ đầu tư thất bại, chẳng hạn như WeWork, Greensill và Katerra. Tuy nhiên điều khiến tôi còn hối tiếc hơn là những cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ” – Masayoshi Son nói.
Tầm nhìn của SoftBank
Quỹ Vision của SoftBank được thành lập cách đây 4 năm nhằm mục đích chuyển dịch kinh doanh của tập đoàn từ viễn thông sang đầu tư công nghệ. Vision hiện bao gồm 2 quỹ với tổng tài sản trị giá 130 tỷ USD và điều hành 26 nhóm đầu tư liên tục tìm kiếm các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu.
Theo Nikkei Asia, một khi tìm được ứng cử viên thích hợp, Chủ tịch Masayoshi Son thậm chí chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ để phê duyệt khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
“Chỉ có khoảng 5% công ty có lãi khi chúng tôi bắt đầu đầu tư. 95% còn lại là các công ty đang thua lỗ hoặc có mức lỗ đang tiếp tục tăng lên. Chúng tôi định giá những công ty này rất lớn và bạn cần phải có can đảm khi đầu tư vào những công ty như vậy.
Rất khó để đưa ra một quyết định đầu tư nguy hiểm nếu làm theo cách của một tổ chức tài chính truyền thống. Chúng tôi có thể xác định được những ứng cử viên tiềm năng vì chúng tôi nắm được nền tảng công nghệ.” – Ông Masayoshi Son nói về chiến lược đầu tư của SoftBank.
Trước khi thành lập quỹ Vision, SoftBank cũng đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ ở châu Á. Tập đoàn Nhật Bản từng rót vốn 100 triệu USD vào Tokopedia – hiện là trang thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, 250 triệu USD vào Grab và 600 triệu USD cho Kuaidi Dache, một công ty cho thuê xe Trung Quốc.
Lấy ví dụ trường hợp của Tokopedia, trong vài năm đầu tiên thành lập, công ty thậm chí gần như không tạo ra được doanh thu do bất lợi về cơ sở hạ tầng ở quốc đảo Indonesia. Tuy nhiên khoản đầu tư của SoftBank vào năm 2014 đã đưa Tokopedia lên một tầm cao mới khi không chỉ thu hút nhiều khách hàng hơn mà còn mở rộng dịch vụ kinh doanh sang cho vay, thanh toán điện nước,…
Việc mở rộng Tokopedia đòi hỏi quá trình “đốt tiền” liên tục trong nhiều năm và khiến các nhà đầu tư e ngại. Tuy nhiên đích thân Chủ tịch SoftBank đã thuyết phục các quỹ tài sản của Ả Rập Xê-út và Abu Dhabi bằng việc hứa cho họ khoản lợi ích hàng năm tương đương 7% trên một nửa số vốn mà họ đầu tư vào Tokopedia. SoftBank cũng dùng khoản vốn tự có trị giá 33 tỷ USD của mình để đảm bảo cho giao dịch này.
Những cam kết trên khiến SoftBank đối mặt với rủi ro cực lớn khi họ phải trả hàng tỷ USD trước khi có thể thu lời từ thương vụ đầu tư. Tuy nhiên nó cũng đem lại cơ hội kiếm lợi nhuận kếch xù cho SoftBank nếu thành công.
Những thương vụ mạo hiểm trên đang bắt đầu đem lại quả ngọt cho SoftBank. Tháng 4 năm nay, Grab công bố kế hoạch IPO thông qua SPAC với mức định giá dự kiến 40 tỷ USD. Tại Trung Quốc, Kuaidi Dache hợp nhất với Didi Dache, tạo nên công ty mẹ Didi Chuxing đang bắt đầu nộp hồ sơ để IPO ở Mỹ, dự kiến mang về mức định giá khoảng 70 – 100 tỷ USD.
Trong khi đó Tokopedia cũng vừa hợp nhất với đối thủ lớn nhất của Grab tại Đông Nam Á – Gojek để tạo nên siêu tập đoàn GoTo. GoTo dự kiến cũng sẽ IPO vào cuối năm nay, dự kiến thu về mức định giá ít nhất phải ngang bằng hoặc hơn mức 40 tỷ USD của Grab.
Vẫn chưa hài lòng với những thành công kể trên, chủ tịch SoftBank cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư lên ít nhất 500 công ty khởi nghiệp trên toàn cầu. Tham vọng của ông là tạo ra một nhóm “các kỹ sư và doanh nhân tiên tiến giải quyết mọi vấn đề trên thế giới”.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
SoftBank hiện nay đã không còn là người thống trị duy nhất trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp. Nhiều quỹ tương hỗ, thậm chí là các quỹ đầu cơ truyền thống đang bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực này.
Theo CB Insights, quỹ đầu tư Tiger Global Management (Mỹ) đã tài trợ tổng cộng 20 tỷ USD cho các startup trong năm nay, lớn hơn nhiều so với mức 17,8 tỷ USD của SoftBank.
Trong vài tháng gần đây, Tiger Global Management cùng với Global Management, GIC, Sequoia Capital, Ribbit Capital và Matrix Partners đã cùng nhau đầu tư vào Razorpay, một công ty fintech của Ấn Độ, giúp định giá của tập đoàn này tăng vọt từ 1 tỷ USD vào tháng 10/2020 lên 3 tỷ USD vào tháng 4.
SoftBank cũng chậm chân trong thương vụ Stripe – một công ty xử lý thanh toán trực tuyến của Mỹ mới đây đã được định giá 95 tỷ USD.
Các thương vụ đầu tư thua lỗ lịch sử như WeWork cũng khiến Chủ tịch Masayoshi Son đối mặt với chỉ trích. Yuko Kawamoto – giám đốc SoftBank cùng người sáng lập Uniqlo Tadashi Yana đã cùng 1 thành viên khác của hội đồng quản trị từ chức để phản đối cách đầu tư bất chấp mạo hiểm của Chủ tịch Son.