Hồ sơ tỷ phú – Kỳ 22: Charles Koch, tỷ phú dầu mỏ sinh ra đã “ngậm thìa vàng” nhưng lớn lên theo cách của “người nghèo nhất thế giới”
Câu nói “vận may được tạo ra nhờ ý chí của con người” miêu tả chính xác thành công của tỷ phú Charles Koch. Trong 4 thập kỷ qua, nhờ sự chăm chỉ và óc phán đoán dưới cương vị chủ tịch và CEO, ông đã đưa Koch Industries từ một tập đoàn ít tên tuổi lên tầm vóc mới, trở thành công ty tư nhân lớn thứ 2 nước Mỹ.
Charles Koch hiện cũng nằm trong danh sách 30 người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 46,4 tỷ USD, theo Forbes. Bên cạnh là một doanh nhân, Charles cũng là một nhà từ thiện tích cực với nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng không lớn lên trong nhung lụa
Charles Koch sinh ngày 1/11/1935 tại Wichita, Kansas, Mỹ trong một gia đình giàu có và quyền lực. Ông nội Harry Koch của ông là người sáng lập tờ báo Quanah Tribune-Chief và là cổ đông sáng lập của Quanah, Acme và Pacific Railway. Ông bà cố của Charles Koch có người từng làm giám mục, chính trị gia và nhà văn nổi tiếng.
Mặc dù vậy, Charles Koch chia sẻ ông không hề có một tuổi thơ lớn lên trong nhung lụa. “Cha tôi muốn tôi làm việc như thể tôi là người nghèo nhất trên thế giới.” – vị tỷ phú nói trong một bài phỏng vấn năm 2016.
Tại Viện công nghệ Massachusetts, ông Koch nhận bằng cử nhân khoa học về kỹ thuật tổng quát năm 1957, thạc sĩ khoa học kỹ thuật hạt nhân năm 1958, thạc sĩ kỹ thuật hóa học năm 1960. Sau đó, ông bắt đầu làm việc tại hãng tư vấn quản lý quốc tế Arthur D. Little.
Đến năm 1961, ông Koch trở lại Wichita để tham gia vào công việc kinh doanh gia đình, ở Rock Island Oil & Refining Company, nay là Koch Industries.
Sáu năm sau, ông đảm nhận vị trí chủ tịch tập đoàn, khi đó vẫn còn là một công ty hóa dầu cỡ vừa. Cũng trong năm đó, ông Koch đổi tên công ty thành Koch Industries để vinh danh cha mình. Thời điểm đó, Koch Industries chỉ mới là một công ty tầm trung trong ngành dầu mỏ.
Sự nghiệp và cuộc chiến pháp lý với anh em ruột
Một cuộc chiến pháp lý nổ ra giữa 4 anh em nhà Koch và phải mãi đến tháng 6/1983, mọi thứ mới ngã ngũ. Charles cùng em trai David đã mua lại cổ phần Koch Industries của hai người anh em ruột khác Frederick và Bill với giá 1,1 tỷ USD, và trở thành chủ sở hữu đa số tại tập đoàn.
Kể từ khi trở thành đồng sở hữu và chủ tịch Koch Industries, Charles Koch đã biến tập đoàn từ công ty lọc dầu và hóa chất tầm trung trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu thế giới. Các lĩnh vực kinh doanh của Koch Industries hiện tại bao gồm khoáng sản, sợi, lâm sản, sản phẩm tiêu dùng, thiết bị kiểm soát ô nhiễm. Doanh thu hàng năm của tập đoàn ước tính lên tới 110 tỷ USD.
Trong cuốn sách ‘Khoa học của sự thành công’ được xuất bản năm 2007, tỷ phú Charles Koch nhấn mạnh thành công của mình đến từ các chiến lược kinh doanh và chính sách quản lý của bản thân.
Và để tạo ra quá trình tăng trưởng thần tốc của tập đoàn thừa hưởng từ cha, ông Koch thường làm việc 12 tiếng mỗi ngày tại văn phòng. Ông vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi về nhà và vào cuối tuần. Các giám đốc của Koch Industries dưới quyền ông cũng thường xuyên phải tăng ca vào cuối tuần.
Là đại gia ngành năng lượng, anh em tỷ phú Koch phản đối dữ dội các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ông cũng phản đối trợ cấp doanh nghiệp và khẳng định cần tối đa hóa vai trò của kinh tế tư nhân, cũng như quyền tự do cá nhân.
Mặc dù Koch Industries vướng vào khá nhiều những rắc rối như việc phải trả tiền phạt 28,5 triệu USD sau khi một trong những chi nhánh của công ty bị cáo buộc thao túng giá năm 2002 hay phải chi trả khoản tiền phạt trị giá 30 triệu USD liên quan đến 1.995 cáo buộc trong hơn 300 vụ tràn dầu năm 2000… nhưng những vụ việc như trên không thể khuất phục được Koch Industries.
Làm kinh doanh nhưng rất yêu hoạt động từ thiện
Charles Koch kết hôn với vợ Liz Koch vào năm 1972. Bà được miêu tả là chỗ dựa vững chắc cho chồng trong cả sự nghiệp kinh doanh và hoạt động từ thiện. Cả hai là thành viên tích cực của nhiều tổ chức từ thiện khắp nước Mỹ như Viện Nghiên cứu Nhân đạo, Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason,… Ông cùng vợ cũng thành lập tổ chức Koch Cultural Trust để hỗ trợ các nghệ sĩ và chuyên gia sáng tạo.
“Tôi tin rằng chủ nghĩa thân hữu chỉ mang lại phúc lợi cho những người giàu có và quyền lực nên bị xóa bỏ”, Charles Koch nói về quan điểm từ thiện của mình.
Bên cạnh các hoạt động từ thiện, Charles Koch cũng đặc biệt chú trọng việc giúp đỡ các công ty khởi nghiệp thông qua quỹ tài chính của riêng mình.